TÁC HẠI CỦA MA TÚY
Đối với sức khỏe:
– Đối với hệ hô hấp: Các chất ma túy kích thích hô hấp gây tăng tần số thở trong thời gian ngắn, sau đó sẽ gây ức chế hô hấp, nhất là khi dùng quá liều. Nhiều trường hợp ngưng thở nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, đôi khi ngưng thở rất đột ngột.
– Đối với hệ tim mạch: Các chất ma túy sẽ kích thích làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng trực tiếp lên tim, gây co thắt mạch vành tạo nên cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể gây nhồi máu cơ tim. Chúng cũng là nguyên nhân của các rối loạn nhịp đe dọa tính mạng người dùng ma túy. Ngoài ra còn gây nên tình trạng co mạch làm tăng huyết áp.
– Đối với hệ thần kinh: Ngoài tác dụng kích thích thần kinh giai đoạn đầu gây hưng phấn, sảng khoái, lệ thuộc thuốc…, cũng có thể gây các tai biến như: co giật, xuất huyết dưới nhện, đột quỵ…
Ngoài ra, người dùng ma túy còn phải chịu những tác hại khác như: hoại tử tế bào gan, ảo thính, ảo thị…
Ảnh hưởng đến bản thân và gia đình :
– Ma tuý làm huỷ hoại sức khoẻ, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại. Dùng ma tuý quá liều có thể dẫn đến cái chết.
– Gây nghiện mạnh, sức khoẻ giảm sút. Tiêm chích ma tuý dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng dẫn đến lây nhiễm viêm gan vi rut B, C, đặc biệt là HIV (dẫn đến cái chết). Tiêm chích ma tuý là một trong những con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất tại Việt Nam. Người nghiện ma tuý có thể mang vi rut HIV và lây truyền cho vợ/bạn tình và con cái họ.
– Thoái hoá nhân cách, rối loạn hành vi, lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật.
– Mâu thuẫn và bất hoà với bạn bè, thầy cô giáo và gia đình.
– Mất lòng tin với mọi người, dễ bị người khác lợi dụng, học tập giảm sút hoặc bỏ học, ảnh hưởng đến tương lai tiền đồ, nếu đã có việc làm thì dễ bị mất việc làm.
– Làm tiêu hao tiền bạc của bản thân và gia đình
– Sức khoẻ các thành viên khác trong gia đình giảm sút (lo lắng, mặc cảm, ăn không ngon, ngủ không yên…vì trong gia đình có người nghiện)
– Gây tổn thất về tình cảm (thất vọng, buồn khổ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc…)
– Gia đình tốn thời gian, chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh của người nghiện do ma tuý gây ra.
Ảnh hưởng đến xã hội:
– Gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội: Lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm…
– Ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội. Tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma tuý đem lại.
- Ảnh hưởng đến giống nòi, huỷ diệt giống nòi: do các chất ma tuý ảnh hưởng đến hệ thống hoocmon sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến quá trình phân bào hình thành các giao tử, tạo cơ hội cho các gien độc có điều kiện hoạt hoá, dẫn tới suy yếu nòi giống.
TÁC HẠI CỦA KHÍ CƯỜI
Bóng cười hay còn gọi là funky ball, thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O). Khí N20 không phải là ma túy hay tiền chất, tuy nhiên, khí N20 là loại khí thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp và được sử dụng chỉ định trong một số lĩnh vực y tế.
Người sử dụng bằng cách hít trực tiếp khí N20 có trong quả bóng và tạo cảm giác cười liên tục trong thời gian ngắn (khoảng 30 giây). Những người kinh doanh bóng cười quảng cáo rằng, thú chơi này không ảnh hưởng đến sức khỏe và họ chứng minh bằng việc tự mình sử dụng trong các cuộc vui với bạn bè. Nhưng theo các chuyên gia y tế, tác động của khí N20 vào trong cơ thể người có thể gây ra chứng mất cảm giác đau, ảo giác nhẹ, đặc biệt là nghe nhạc rõ, sau đó phấn khích và cười ngả nghiêng. Nếu sử dụng nhiều hoặc quá liều lượng sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh thậm chí là trầm cảm hoặc thiệt mạng.
“Bóng cười” gây ra những nguy hại về sức khỏe cho người sử dụng và gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Mặc dù đã biết về hậu quả tác hại của các chất trên, song với lợi nhuận quá lớn, các đối tượng vẫn thực hiện các hành vi mua bán, kinh doanh trái phép, tổ chức sử dụng các chất độc hại này.
Với một bộ phận thanh, thiếu niên, việc sử dụng “bóng cười” đã trở thành trào lưu, thú tiêu khiển mà không biết những tác hại của thú vui giải trí này mang lại.
TÁC HẠI CỦA SHISHA
Cùng với “bóng cười”, “shisha” hiện cũng đang được sử dụng rộng rãi như là một thú chơi của giới trẻ. Căn cứ Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 của Chính phủ về ban hành các danh mục chất ma tuý và tiền chất, “shisha” không phải là ma túy hay tiền chất mà thực chất là một loại thuốc lào tẩm hương liệu có xuất xứ từ các nước Ả rập, chủ yếu được nhập lậu về Việt Nam. “Shisha” có thành phần Nicotine 0.05% và Tar 0% làm từ chất Nicotine thay thế thuốc lá.
Sự thực shisha cũng là một loại thuốc giống hệt như thuốc lá và thuốc lào, vì bản thân nó vẫn chứa nicotine - là một chất gây hưng phấn, gây nghiện. Vậy nên người hút shisha thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc các bệnh như ho lao, trụy tim, và cả ung thư.
Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với “Shisha”, do vậy “Shisha” chưa có cơ sở để phân tích, kiểm nghiệm, ghi nhãn và thực hiện các thủ tục công bố chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Tuy nhiên, “shisha” lại được bán công khai tại các quán bar, karaoke và một số quán cafe với giá từ 150.000-250.000 đồng/bình.
Shisha, bóng cười là chất gây nghiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân người sử dụng, không chỉ hủy hoại sức khỏe mà còn tổn hại đến thần kinh người nghiện, điều này khiến họ mất khả năng lao động, học tập. Ngoài ra, hít shisha, ngậm bóng cười cũng là tiền đề cho công đoạn đầu tiên để khuấy động, tiến tới sử dụng ma túy trong mỗi cuộc vui chơi của người sử dụng. Đồng thời khi đã nghiện, người nghiện luôn có xu hướng tăng liều lượng dùng, chi phí để dùng các chất này ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng bị khánh kiệt về kinh tế, thực hiện các hành vi phạm pháp như lừa đảo, trộm cắp, cướp giật để có tiền sử dụng các chất này.
MỨC XỬ PHẠT
Hành vi sản xuất bóng cười trái phép cung cấp cho thị trường sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP. Mức xử phạt với hành vi sản xuất bóng cười từ 20 đến 25 triệu đồng (đối với cá nhân). Đối với tổ chức doanh nghiệp vi phạm, mức phạt gấp đôi mức quy định trên.
NGĂN CHẶN, PHÒNG CHỐNG MA TÚY:
– Không tham gia sử dụng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
– Không xúi giục người khác tham gia vào tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác.
– Khi phát hiện những cá nhân, tổ chức có liên quan đến ma túy cần báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lí.
– Quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ những người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Không kì thị, xa lánh người cai nghiện.
– Tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra. Tìm hiểu về tác hại của ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, cộng đồng để có nhận thức đúng đắn về tác hại của ma túy. Từ đó, trong từng trường hợp cụ thể có thể tuyên truyền, vận động cho mọi người cùng phòng tránh ma túy.