Khu Tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng
Vào các dịp lễ tết, người dân, học sinh, sinh viên thường đến tham quan, dâng hương tại các di tích nhằm bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã anh dũng hi sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đây không chỉ là nơi lưu dấu lịch sử thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân và dân 18 Thôn Vườn trầu mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay.
Hàng năm, thường vào ngày rằm tháng giêng, hoặc ngày 14 và 15 tháng 2 (âm lịch) các Đình Tân Thới Nhì, thị trấn Hóc Môn; Đình Tân Thới Nhất, xã Bà Điểm và nhiều Đình, miếu đều tổ chức Lễ hội Kỳ Yên theo tín ngưỡng dân gian. Lễ hội được tổ chức theo nghi thức cổ truyền của dân tộc, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, Nhân dân vui hưởng thái bình. Ngoài ra, tại lễ hội Kỳ Yên còn diễn ra chương trình hát bội do Đoàn nghệ thuật Hát bội Thành phố biểu diễn để phục vụ người dân. Hàng năm thông qua dịp lễ Kỳ Yên, Nhân dân trong huyện cùng nhau tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp, dựng đình, lập chợ, qua đó thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện còn là nơi để học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên và người dân đến tìm hiểu về lịch sử địa phương, tổ chức cắm trại, sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức hội thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam qua các hiện vật, bức tranh, sách báo và những câu chuyện được các vị cao niên kể lại rằng: Hóc Môn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng, là căn cứ địa duy nhất ở Nam Bộ được Trung ương Đảng bí mật tổ chức an toàn nhiều hội nghị Trung ương, thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1936 - 1940).
Việc tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và di tích kiến trúc - nghệ thuật sẽ góp phần tô đậm nét truyền thống văn hóa quý báu, bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.