1. Một số phương thức, thủ đoạn
- Lừa đảo qua sàn ngoại hối, tiền ảo: Đây thường là các tổ chức hoạt động trái phép, không đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Hoạt động theo phương thức “đa cấp biến tướng”, lấy tiền người sau trả cho người trước.
- Đề nghị nâng cấp sim điện thoại: Đối tượng giả danh nhân viên của các nhà mạng gọi điện thoại tư vấn cho bị hại và đề nghị nâng cấp Sim. Khi bị hại đồng ý thì đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và tự đăng nhập vào đường link do đối tượng cung cấp. Từ đó, vô tình bị hại đã cung cấp các thông tin và bị đối tượng chiếm quyền sử dụng Sim điện thoại.
- Giả danh cơ quan Công an yêu cầu bị hại chuyển tiền để phục vụ điều tra: Đối tượng giả danh Cơ quan Công an thông báo cho bị hại đang liên quan đến 01 vụ án hoặc vụ việc đang điều tra. Bằng các thủ đoạn để lấy lòng tin, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền, đồng thời yêu cầu bị hại giữ bí mật nội dung sự việc để đảm bảo yêu cầu điều tra.
- Làm quen trên mạng xã hội, sau đó gửi quà tặng và yêu cầu đóng các loại phí để nhận quà: Đối tượng sử dụng mạng xã hội làm quen với những người Việt Nam. Sau khi lấy được tình cảm, thì đối tượng nói sẽ đến Việt Nam để du lịch hoặc sinh sống, đồng thời gửi quà tặng về Việt Nam. Vài ngày sau, có đối tượng khác tự xưng là nhân viên hải quan, gọi điện thoại cho bị hại nói là lô hàng đã đến sân bay và yêu cầu đóng phí. Khi bị hại đồng ý chuyển tiền đóng phí thì đối tượng tiếp tục đưa ra rất nhiều lý do để yêu cầu bị hại tiếp tục chuyển thêm tiền. Đến khi bị hại nghi ngờ hoặc không còn tiền để chuyển thì tất cả các đối tượng cắt đứt liên lạc.
2. Biện pháp phòng ngừa
2.1 Đối với hành vi đề nghị nâng cấp Sim điện thoại
Biện pháp phòng ngừa: Không cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng cho người lạ; Không bấm vào các đường link lạ để đề phòng mã độc đánh cấp thông tin cá nhân.
2.2 Đối với hành vi làm quen trên mạng xã hội, sau đó gửi quà tặng và yêu cầu đóng các loại phí để nhận quà
Biện pháp phòng ngừa: Người dân luôn biết cách sàng lọc thông tin đúng sai khi lên mạng xã hội, nhất là không nên quá tin tưởng vào các mối quan quan hệ vừa quen trên mạng xã hội; những tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền cần kiểm tra, xác minh kỹ để tránh mất mát tài sản.
2.3 Đối với hành vi giả danh cơ quan Công an yêu cầu bị hại chuyển tiền để phục vụ điều tra
Biện pháp phòng ngừa: Cơ quan Công an chỉ làm việc với cá nhân, tổ chức trực tiếp tại trụ sở, không làm việc bên ngoài trụ sở, không làm việc thông qua điện thoại, mạng xã hội, do đó đề nghị người dân không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.
2.4 Đối với hành vi mời gọi đầu tư trái pháp luật
Biện pháp phòng ngừa: Tìm hiểu kỹ các thông tin về công ty, sàn giao dịch trước khi quyết định đầu tư (có đăng ký kinh doanh không, lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đã được cơ quan Nhà nước cấp giấy phép chưa, mã số thuế, địa chỉ trụ sở, số điện thoại...). Tuyệt đối không đầu tư vào các hoạt động trái phép, không có đăng ký kinh doanh, không được cơ quan Nhà nước cấp phép, không có trụ sở tại Việt Nam.
=> Công an huyện Hóc Môn khuyến cáo người dân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước những hành vi lừa đảo trên, luôn bảo mật thông tin cá nhân để tránh tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng:
- Tuyệt đối không chia sẽ mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mã OTP
- Không bấm vào các đường link lạ để đề phòng mã độc đánh cắp thông tin cá nhân.
- Cảnh giác với các website, ứng dụng làm giả giao diện của website, ứng dụng internet banking của ngân hàng, ví điện tử để đánh lừa nhập thông tin tài khoản.
- Khi bản thân là người thụ hưởng, không dịch vụ nào yêu cầu click vào đường link, yêu cầu đăng nhập hoặc cung cấp mã OTP.
Thông tin báo tố giác tội phạm đến Cảnh sát khu vực (Công an khu vực), Công an xã, thị trấn gần nhất hoặc trực ban Công an huyện Hóc Môn, số điện thoại: 02838910387.
Tác giả: NGUỒN: CÔNG AN HUYỆN HÓC MÔN