Trên địa bàn huyện, nhiều hộ dân và doanh nghiệp đang đầu tư, nâng cấp, mở mới các khu du lịch gắn với nhà hàng ẩm thực như: Khu Cánh đồng Sen ở Bàu Năng xã Tân Hiệp; quán ăn 34 gà hấp hèm xã Xuân Thới Sơn; khu Cánh đồng hoang, Cánh đồng xanh ở Trung Đông xã Thới Tam Thôn; một loạt nhà hàng quán ăn trên đường Song Hành thuộc tuyến Tân Xuân - Trung Chánh, thu hút khách đến vui chơi và ăn uống dịp cuối tuần.
Trên các trang mạng xã hội, trang “Tôi là dân Hóc Môn”…tích cực giới thiệu các địa chỉ ẩm thực, thu hút khách tham quan, thưởng thức món ngon tại huyện. Các khu du lịch đang mở rộng liên kết, kết nối giới thiệu tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP do địa phương sản xuất, nổi bật các mặt hàng đan lát bằng nguyên liệu mây tre trúc của xã Xuân Thới Sơn, túi xách chiếu tụng đệm bằng sợi bàng của xã Xuân Thới Thượng, sản phẩm mỹ nghệ ngà sừng của xã Trung Chánh…góp phần phát triển du lịch chính là phát triển các ngành nghề đa dạng, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, các làng nghề sản xuất tại vùng đất Hóc Môn.
UBND huyện tổ chức các hội nghị giới thiệu kêu gọi xúc tiến đầu tư, triển khai kế hoạch khảo sát thực địa qua các tour “Trên bến dưới thuyền”, “Xa phố về đồng” tham quan vườn rau, vườn kiểng, sinh hoạt với nông dân, tìm hiểu giao lưu văn hóa thể thao, thưởng thức ẩm thực…Tổ chức Tọa đàm tại Khu du lịch Cánh đồng hoa xã Nhị Bình, giới thiệu cơ hội tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh…Song song đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng ngành, xã - thị trấn đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp về thủ tục kết nối ngân hàng tìm các nguồn vay vốn ưu đãi, ưu tiên phát triển các khu du lịch, gắn du lịch với văn hóa, củng cố các câu lạc bộ đờn ca tài tử, giới thiệu quảng bá sản phẩm từ hoa lan, cây cảnh, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đến sản phẩm nội thất cao cấp…Phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử của vùng đất con người Hóc Môn vào năm 2025.