Trong căn nhà khang trang, ấm cúng cùng con cháu, chú Mai Văn Tòng vẫn thường tự hào kể lại cho thế hệ sau nghe về những trận chiến đã tham gia. Chú là một trong những nhân chứng lịch sử Gò Môn, sinh năm 1944, ngụ tại số 5/1, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, một xã giàu truyền thống cách mạng, được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu xã anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của huyện Hóc Môn vào năm 1984 và năm 1990.
Khi hỏi về chuyện ngày xưa đi theo cách mạng, chú Tòng vui vẻ cho biết: Lúc chưa tròn 18 tuổi, chú thoát ly gia đình tham gia công tác bí mật, làm giao liên và bảo vệ các chiến sĩ đặc công trinh sát, Đội trinh sát đặc công K15 hoạt động tại địa phương. Tháng 5/1962, chú tham gia 2 trận đánh và thành công lớn, trận đầu tiên Đội trinh sát đặc công K15 đánh vào bọn giặc ở bót cầu Bà Bếp, trên đường số 8 thuộc địa phận Củ Chi, trận này, quân ta tiêu diệt toàn bộ địch trong Đồn, thu nhiều vũ khí và khí tài của giặc. Trận kế tiếp đánh cầu Bến Phân, đường 13 ở phường Thạnh Lộc (Quận 12 ngày nay) làm sập cầu, hư hại nặng, làm cắt đường giao thông một thời gian, sau đó địch mới làm lại. Sau 2 trận đánh thắng đó, năm 1963, chú được chuyển về đơn vị Đặc công C5, hoạt động bí mật trong lòng địch kiểm soát, vừa để xây dựng phong trào cách mạng, vừa dùng vũ trang hỗ trợ các xã phá ấp chiến lược (Nhị Bình, Xuân Thới Đông).
Tháng 12/1965, chú được chuyển về đơn vị Biệt động Sài Gòn - Gia Định, phụ trách ngoại ô, vùng ven đô Sài Gòn gồm các địa phương Gò Vấp, Bà Chiểu, Gia Định và chú vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Chú tiếp tục tham gia nhiều trận đánh bí mật, bất ngờ, táo bạo ngay trong vùng địch chiếm đóng ở nội đô Sài Gòn. Từ những trận đánh dữ dội, trong đợt 1 chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, đơn vị của chú tham gia cùng Trung đoàn Gia Định 4 đánh thẳng các đồn bót của giặc ở vùng Gò Vấp, Bà Chiểu, trong đó, nổi bật là trận đánh vào Cổng số 10 Bộ Tổng tham mưu giặc (góc Sân bay Tân Sơn Nhất). Qua đợt 2 năm Mậu Thân, đơn vị của chú mở rộng địa bàn, đánh vùng Phú Thọ - Bình Thới - Chợ Lớn - Phú Định; mở rộng vùng chiến khu của ta ở Vườn cau đỏ từ phường Thạnh Lộc, phường An Phú Đông (Quận 12 ngày nay) đánh vào các đồn bót của địch khắp vùng Gò Vấp, Bà Chiểu. Tham gia trận đánh Trạm kiểm soát của địch ở cầu Bình Lợi và quân ta tiêu diệt gọn; tham gia đánh đường ống dẫn xăng từ sà lan cầu Bình Lợi đến kho xăng Vũng Bèo, làm hư hỏng ống xăng. Sau trận đánh đó, đơn vị của chú được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng 3.
Tháng 7/1968, chú được đề bạt lên Đại đội Trưởng, phụ trách Đại đội 5. Ngày 05/01/1969, chú bị bọn an ninh Quân đội Sài Gòn bắt do bọn chiêu hồi chỉ điểm, chú bị giam giữ tại Trại giam số 8, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau thời gian tra khảo không khai thác được gì, chú bị đày ra nhà tù Côn Đảo vào tháng 9/1969. Tại nhà tù Côn Đảo, chú giữ vững khí tiết của người cách mạng, chấp nhận mọi nhục hình, tra khảo, bị đói, bị khát, nhốt vào chuồng bò, chuồng cọp; chú được Chi bộ phân công làm Đội trưởng “Đội chống khủng bố” trong tù. Chú cùng các anh chị em trong tù tiên phong kiên trì quan điểm chống chào cờ ngụy, phải đặt mục tiêu đấu tranh bảo vệ khí tiết lên hàng đầu, phải gầy dựng phong trào, nhen nhúm từ những đốm lửa nhỏ thì mới có cao trào đấu tranh.
Sau Hiệp định Paris, địch cam kết trao trả tù binh. Chúng đưa chiến sĩ của ta từ các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc…bằng trực thăng về lại Lộc Ninh, thủ đô của quân giải phóng. Chú Mai Văn Tòng được đưa về Đoàn 210 Cục Hậu cần Miền, an dưỡng thời gian 4 tháng và trở về đơn vị cũ Biệt động Sài Gòn chuẩn bị tham gia trận đánh Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chú chuyển về Huyện đội Hóc Môn, phụ trách Tham mưu phó. Năm 1977, chú được cử đi học trường Quân 9 – Bà Rịa – Vũng tàu, sau đó về đơn vị nhận nhiệm vụ xây dựng Đại đội 2 Hóc Môn chuẩn bị chiến dịch Tây Nam. Tháng 12/1978, chú chuyển ngành về Sở Giao thông vận tải Thành phố, Phó Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Vận tải ô tô số 2.
Năm 1994, chú nghỉ hưu, trở về sinh sống tại xã Xuân Thới Thượng anh hùng. Chú tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, với chú được cống hiến là trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng cũng là niềm tự hào. Những đóng góp tích cực và sự rèn luyện không mệt mỏi của chú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, năm 2020 chú vinh dự được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Chú đã cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc và phần thưởng xứng đáng mà chú nhận được là Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng I, II, III; Huân chương Chiến công hạng I và nhiều thành tích xuất sắc. Chú được Nhân dân tín nhiệm bầu Đại biểu HĐND xã, giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch HĐND xã; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến xã; Chủ tịch CLB liên thế hệ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến huyện Hóc Môn. Qua nhiều năm tháng, phẩm chất “Người lính Bộ đội Cụ Hồ” vẫn luôn tỏa sáng trong con người chú. Những chiến công của chú và đồng đội năm xưa đã tô thắm thêm truyền thống của quê hương xã Xuân Thới Thượng anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.