Các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học liên quan đến phát triển du lịch Hóc Môn đã giúp huyện định hướng và triển khai công tác phát triển tiềm năng du lịch huyện đạt một số kết quả. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, các tuyến đường trục chính của huyện, xã, liên xã...được nâng cấp mở rộng, thuận tiện giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thu hút khách du lịch tham quan đến huyện.
Huyện phối hợp tốt với các đơn vị tư vấn cùng chủ các điểm du lịch trên địa bàn giới thiệu, vận hành các sản phẩm du lịch, bước đầu hình thành các tour, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện. Huyện cũng rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển sử dụng đất các dự án dân cư kết hợp du lịch, các điểm neo đậu tàu thuyền khu vực xã Nhị Bình ven sông Sài Gòn nhằm phục vụ phát triển du lịch đường thủy, du lịch sinh thái xã Nhị Bình. Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn Thành phố, giai đoạn 2020-2045 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2341/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2021; tiếp tục thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.
Huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động lữ hành du lịch trên địa bàn; hỗ trợ tổ chức kết nối giữa các điểm đến du lịch, các di tích và các nhà hàng, quán ăn với các món ăn ngon, sản phẩm đặc trưng, truyền thống, sản phẩm OCOP...của huyện, hình thành sản phẩm du lịch, các tour tham quan du lịch cụ thể. Hỗ trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp trồng trọt theo mô hình “nông nghiệp chia sẻ”, “một ngày làm nông dân”. Xây dựng phương án hoạt động, khai thác hiệu quả Công viên Du lịch sinh thái Hóc Môn; triển khai tổ chức “Chợ đêm, Phố đi bộ tại khu vực trung tâm huyện Hóc Môn”, các hoạt động lễ hội văn hóa, ẩm thực... trên địa bàn huyện để thu hút du khách.
Đến cuối năm 2023, huyện sẽ hình thành phát triển sản phẩm du lịch theo Nghị quyết Đảng bộ huyện (dự kiến hình thành tour: Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, Chùa Hoằng pháp, Đình Bình Nhan, Cánh đồng hoa - xã Nhị Bình hay Villa H2O; tour Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, Dinh quận Hóc Môn, Công viên cá Koi, Công viên Du lịch sinh thái Hóc Môn...kết hợp ẩm thực các món ăn dân dã, sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, truyền thống đặc trưng của huyện).
Để ngành du lịch huyện có cơ hội vươn mình phát triển, thời gian tới huyện sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, ánh sáng...các điểm, khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Tăng cường truyền thông, quảng bá các di tích, các điểm đến, sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện trên các trang mạng và hệ thống thông tin đại chúng; khuyến khích các chủ thể tham gia du lịch ứng dụng phần mềm làm công cụ để giới thiệu, quảng bá du lịch, chương trình du lịch như: sử dụng mã QR để quảng bá các tour, điểm đến; ứng dụng du lịch thông minh tích hợp bản đồ số du lịch 3D của thành phố...Phối hợp Sở du lịch, các công ty lữ hành du lịch tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lực lượng lao động, cơ sở du lịch, di tích trên địa bàn; phổ cập kiến thức cơ bản về du lịch cho cán bộ, hội viên các đoàn thể để tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch huyện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xã hội hóa du lịch thông qua việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ pháp lý, chính sách ưu đãi theo quy định để thu hút đầu tư trên địa bàn, ưu tiên dự án đầu tư về du lịch sinh thái. Đồng thời huyện sẽ làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, giám sát bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật theo quy định; kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, điểm đến phục vụ du lịch trên địa bàn để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch đến huyện Hóc Môn.