Đồng chí Trần Văn Khuyên (bìa trái) và đồng chí Nguyễn Văn Tuyên (thứ 4, trái qua) tặng hoa và Thư cảm ơn cho các doanh nghiệp
Đến dự có Phó Chủ tịch UB.MTTQVN TPHCM Ngô Thanh Sơn; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trần Văn Khuyên; UV.BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tuyên; UV.BTV Huyện ủy, Chủ tịch UB.MTTQVN huyện Trương Thị Mỹ Hạnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Hóc Môn; các đồng chí UV.BTV Huyện ủy, Huyện ủy viên. Tham dự còn có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phan Thanh Biên.
Đồng chí Trần Văn Khuyên phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Văn Khuyên ôn truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Hóc Môn - Bà Điểm anh hùng năm xưa đã cưu mang, nuôi giấu, che chở, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng về đây hoạt động và hội họp. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11 năm 1940), thực dân Pháp đã dựng lên 3 trường bắn để giết hại các đồng chí lãnh đạo Đảng bị chúng bắt. Tại trường bắn Nhà thương Giếng nước (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn), ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã giết hại các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương như: đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư; đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Ủy viên Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - Thành ủy viên Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại trường bắn Ngã Ba Giồng (nay là Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng) thực dân Pháp đã giết hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư; đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng và nhiều chiến sĩ cộng sản, đồng bào yêu nước.
Trên vùng đất lịch sử thiêng liêng Hóc Môn - Bà Điểm “18 Thôn Vườn trầu”, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện luôn tự hào về lịch sử vẻ vang, trang sử hào hùng, oanh liệt của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Vùng đất Hóc Môn - Bà Điểm vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước thời kỳ 1936 - 1939, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” vào năm 1995. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hóc Môn luôn đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng xây dựng huyện ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Dịp này, lãnh đạo huyện trao Thư cảm ơn và tặng hoa cho 8 doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo 3 Di tích lịch sử gồm: Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9/1940; Đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Nhà thương Giếng nước; Bia tưởng niệm liệt sĩ Cầu Xáng - xã Tân Hiệp).
Lễ tưởng niệm và cầu siêu tại Đền chính Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng
Sáng cùng ngày, tại Đền chính Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, Huyện ủy - HĐND - UBND - UB.MTTQVN huyện tổ chức Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng hy sinh vào tháng 8/1941, các chiến sĩ và Nhân dân đã tử vong do đại dịch Covid -19 vừa qua.