Thực tế cho thấy, ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều học sinh không còn xem sách là “món ăn tinh thần”, thay vào đó, các em hứng thú hơn với các phương tiện truyền thông như tivi, mạng xã hội (facebook, tiktok, youtube)…Văn hóa nghe, nhìn với nhiều hình thức giải trí phong phú, tiện ích ngày càng lấn át văn hóa đọc, việc kiểm soát các nội dung trên internet khá khó khăn dẫn đến nhiều hệ lụy như nghiện game, việc học hành, sức khỏe của trẻ cũng trở nên sa sút. Trước thực trạng trên, Nhà Thiếu nhi huyện đã chú trọng đổi mới trong tổ chức và hoạt động, triển khai nhiều mô hình phù hợp, thực hiện tốt vai trò khơi dậy đam mê, hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Bên cạnh việc trang bị cơ sở vật chất đầy đủ cho không gian thư viện, Nhà thiếu nhi đã chuẩn bị hơn 5500 đầu sách phong phú như truyện tranh nước ngoài, cổ tích Việt Nam, sách về thế giới động vật, thiên nhiên, sách giáo dục kỹ năng sống, một số loại sách phục vụ trẻ ở nhiều độ tuổi. Song song đó, Nhà Thiếu nhi còn tăng cường thêm 02 kệ sách yêu thương được đặt tại sảnh Nhà Thiếu nhi, sách tại các kệ thường xuyên được thay đổi để thu hút các em đến tham gia đọc sách.
Để tăng cường đầu sách phục vụ cho các em, thư viện đã phát động phong trào đổi sách lấy quà, đồng thời vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giúp đỡ. Trong năm qua từ các nguồn sách hỗ trợ đã tăng được 300 đầu sách mới. Ngoài ra, Nhà Thiếu nhi còn tổ chức các gian hàng sách lưu động, triển lãm sách Bác Hồ và lịch sử Việt Nam; Hội thi vẽ tranh “Sách - Nguồn tri thức vô tận”.
Hưởng ứng chủ đề năm chuyển đổi số của Thành phố, Nhà Thiếu nhi huyện đã thực hiện mô hình “Thư viện trực tuyến” ra mắt trên ứng dụng Padlet theo liên kết http:”//padlet.com/thuvientructuyen_ntnhocmon/radiosach_tructuyen. Đến với ứng dụng này, thiếu nhi, học sinh sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử dân tộc thông qua những bài viết giáo dục truyền thống yêu nước, bài giới thiệu tiểu sử các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc; tìm đọc được những câu chuyện hay, ý nghĩa về gia đình, thầy cô, bạn bè…Qua đó, hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc với phương thức khuyến khích đọc đi vào chiều sâu, đặc biệt là phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin góp phần tạo dựng nền tảng kỹ năng bền vững cho thiếu nhi.
Sách là nguồn tri thức vô tận, do đó, việc phát triển văn hóa đọc trong mỗi người đặc biệt là lứa tuổi học sinh là điều vô cùng cần thiết. Để làm được điều đó cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc định hướng văn hóa đọc cho thiếu nhi, bồi dưỡng niềm đam mê đọc sách, tạo điều kiện để các em được tiếp cận với những tác phẩm phù hợp, lành mạnh, có giá trị giáo dục cao giúp các em phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách, trở thành những người có ích cho xã hội.