Theo lời đồng chí Hồ Văn Công: Trong cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí được Ban lãnh đạo vùng 5 Gò Môn phân công trực tiếp phối hợp với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 chủ lực chốt chặn tại mũi Tàu, ấp Dốc, trên Quốc lộ 22 (lúc đó là Quốc lộ 1), xã Tân Phú Trung không cho quân Mỹ ở Đồng Dù xuống nội thành Sài Gòn để chi viện cho Mỹ - Ngụy đang bị quân ta đánh khắp nơi trong nội thành. Qua các trận đánh ác liệt từ ngày 1 đến ngày 3/2/1968, quân Mỹ vẫn không xuống nội thành được, phải kéo quân trở về căn cứ Đồng Dù. Đến ngày 4/2/1968, lúc mới mờ sáng chừng 6 giờ, bất ngờ quân Mỹ cho xe tăng, máy bay trực thăng ồ ạt đỗ quân xuống trận địa, đồng chí Công và 3 chiến sĩ khác chui xuống khúc địa đạo, bị địch phát hiện đánh trái ngạt, làm bất tỉnh, bọn chúng bắt được, kéo lên trực thăng đưa về Đồng Dù. Qua 2 ngày sau tỉnh lại, chúng đưa 4 người lên thẩm vấn, nhận là Dân công cho Bộ đội đánh nhau tại ấp Dốc và chúng bắt ký tên. 6 ngày sau, chúng chuyển 4 người về trại giam Hố Nai - Biên Hòa, đến ngày 15/2/1968 chuyển ra trại giam Phú Quốc. Đến đây là cuộc đấu tranh với bọn giám thị, cai ngục ác ôn, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, hòng khuất phục ý chí của những chiến sĩ cộng sản. Tại trại giam Phân khu C3, đồng chí Công gặp được anh Phan Miên (5 Miên) nhạc sĩ Nam bộ và một số anh em bàn bạc để hình thành tổ chức Đảng, thống nhất xúc tiến thành lập Chi bộ theo từng tỉnh, nhưng chưa hình thành được Đảng ủy để lãnh đạo chung. Các địa phương đều thống nhất cử anh Phan Miên chủ trì, liên hệ với các Chi bộ tỉnh thành để thống nhất hành động. Được sự chỉ đạo của anh Phan Miên và các Chi bộ từng địa phương, anh em tù đã cho chúng một trận vỡ mặt. Sau trận đánh, bọn giám thị bắt một số anh em tù đem nhốt chuồng cọp điều tra, đánh đập, trong số bị bắt có Lê Thanh (cán bộ hưu ở xã Xuân Thới Sơn hiện nay), hầu hết số anh bị bắt rất kiên cường, bất khuất, không khai báo. Trước tình hình đó, bọn giám thị thấy không ổn, nên chúng phân tán chuyển anh em qua một số trại giam khác, riêng tôi và một số anh em chuyển qua Phân khu B7, chúng tôi tiếp tục củng cố tổ chức Đảng, tiến hành thành lập Đảng ủy.
Ngày 7/10/1971, Đảng ủy tổ chức đấu tranh tuyệt thực toàn Phân khu B7, chuẩn bị lương khô, nước uống đầy đủ. Qua tuyệt thực đến ngày thứ 7, quan sát anh em còn tương đối ổn định nhưng do tình hình bên ngoài có gì đó, buộc chúng cử giám thị đến báo với anh em Phân khu B7 là Ban lãnh đạo trại giam chấp nhận đề nghị của anh em sẽ tuần tự giải quyết, nhưng Đảng ủy biết chắc bản chất của chúng là hứa suông. Sau đó, địch đối phó bằng cách chuyển toàn bộ Phân khu B7 sang Phân khu B10, nhằm cắt nguồn lương khô cất dấu ở B7 để chống đấu tranh tuyệt thực. Qua B10, địch cài người theo dõi hoạt động của ta. Đảng ủy nhận định, thông báo cho toàn thể anh em luôn cảnh giác và giữ bí mật. Nhưng tên thám báo này rất liều lĩnh, nói năng sơ hở lộ tẩy là hắn báo ngay cho bọn giám thị, nên anh em quyết định loại bỏ. Khi diệt xong hắn, anh em kéo xác xuống nhà cầu và thông báo cho giám thị trại giam có người bệnh chết tại nhà cầu. Chúng cho quân cảnh đến và bắt 2 anh em tù khiêng xác ra ngoài trụ sở quân cảnh, khi anh em khiêng xác ra ngoài nhưng chúng không thả vào, mà giữ lại nhốt để đánh đập, điều tra. Qua mấy ngày sau, khi 2 tên quân cảnh vào trại giam khám hiện trường, anh em tù quá bức xúc, không dằn được cơn tức giận, bắt 2 tên quân cảnh để trao đổi 2 anh em bị bắt nhốt chuồng cọp. Sau việc này, bọn chúng tức giận và tìm cách trả thù, hàng ngày chúng đến khiêu khích, tạo cớ để đàn áp anh em. Trước những hành động đó, anh em Phân khu B10 không chịu nổi, càng hô to: “Đả đảo quân tàn bạo, quân tay sai bất lương”. Thế là chúng càng mượn cớ để thẳng tay trả thù, bắn giết. Dùng súng đại liên, trung liên, tiểu liên nhã đạn vào trại giam, làm chết tại chỗ 8 anh em tù, bị thương một số. Với sự tàn ác đó, lòng hận thù của anh em tù lên đến tột cùng, do đó Đảng ủy chủ trương tiếp tục đấu tranh tuyệt thực lần thứ hai. Cuộc tuyệt thực được 3 ngày, thì có Đoàn quốc tế đi giám sát tù binh để chuẩn bị trao trả, chúng đến trại giam o ép, vuốt ve kêu gọi anh em tù trong B10 ngừng tuyệt thực và mọi đề nghị của anh em chúng hứa sẽ giải quyết. Ngày 02/12/1972, chúng tập kết chuyển chúng tôi từ trại giam B10 sang B8, chuẩn bị các thủ tục để trao trả. Sáng 15/02/1973, bọn giặc đưa 2 chiếc máy bay C.130 chở anh em tù binh Phú Quốc, xuống sân bay Phú Bài ở Huế, rồi dùng xe GMC đưa anh em chạy thẳng đến bờ Nam sông Thạch Hãn, có tàu chờ sẵn đưa qua bờ Bắc sông Thạch Hãn là nơi trao trả tù binh giữa 2 bên. Đến ngày 16/3/1973, chúng tôi được đưa về nơi an dưỡng tại Sầm Sơn - Thanh Hóa.
Đến tháng 8/1975, đồng chí Hồ Văn Công về Nam, được Ban Tổ chức Trung ương chuyển về Ban Tổ chức Thành ủy và được bố trí về Hóc Môn công tác, phân công làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Huyện ủy. Đến năm 1978, Đại hội Đảng bộ huyện Hóc Môn bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ làm Trưởng Ban Tuyên huấn Huyện ủy. Đến năm 1989, làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện. 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy. Đến năm 2000, nghỉ hưu và làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến huyện Hóc Môn đến nay.