I. CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM (Điều 13, Luật PCCC)
1. Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội;
2. Cản trở các hoạt động PCCC; chống người thi hành nhiệm vụ PCCC;
3. Lợi dụng PCCC để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân;
4. Báo cháy giả; không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy;
5. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ; mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người;
6. Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về PCCC; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC;
7. Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị PCCC, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn;
8. Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về PCCC.
II. BIỆN PHÁP CƠ BẢN TRONG PHÒNG CHÁY (Điều 14, Luật PCCC)
Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.
Thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời
III. PHÒNG CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở VÀ KHU DÂN CƯ (Điều 17, Luật PCCC)
Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
Ấp - khu phố phải có các quy định, nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; căn cứ vào điều kiện cụ thể có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC.
IV. PHÒNG CHÁY ĐỐI VỚI CƠ SỞ (Điều 20, Luật PCCC)
Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án PCCC độc lập phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây:
- Có quy định, nội quy về an toàn PCCC;
- Có các biện pháp về phòng cháy;
- Có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở;
- Có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về PCCC;
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;
- Bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC;
- Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC.
V. QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ PCCC
1. Vi phạm quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ: Theo quy định tại Điều 33, Nghị định 144/NĐ-CP sẽ phạt tiền từ 8.000.000 đến 40.000.000 đồng đối với các hành vi: Không lắp đặt thiết bị phát hiện, xử lý rò rỉ của các chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; Sản xuất, kinh doanh, san chiết, nạp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép; san, chiết, nạp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh.
2. Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình.
Theo quy định tại Điều 50, Nghị định 144/NĐ-CP quy định mức phạt như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ gây mà thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi: vi phạm quy định PCCC để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng; vi phạm quy định về PCCC gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%.