Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao...Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng đóng vai trò hết sức quan trọng, được coi là cuộc “tự cách mạng” triệt để, góp phần làm trong sạch nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, bảo đảm không có vùng cấm, qua đó đã tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.
Đặc biệt, là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao và mẫu mực nêu gương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Qua đó, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân với tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; không chấp nhận những cán bộ, đảng viên ngả nghiêng, dao động.
Tranh minh họa (Nguồn: Tuyengiao.vn)
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những mặt hạn chế cần phải thẳng thắn nhìn nhận và quyết tâm khắc phục bằng được để ngăn chặn hiệu quả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái, biến chất, vi phạm pháp luật và đạo đức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, đồng thời là cái cớ để các thế lực phản động, thù địch lợi dụng chống phá nhằm thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta.
Trước hết, chúng ta cần thấy rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng thời gian qua có mặt còn hạn chế, nhất là trong vận động xây dựng văn hóa sống liêm khiết, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của các tổ chức trong phòng, chống tham nhũng, thiếu tự giác chấp hành.
Vẫn còn tình trạng thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tham nhũng trong nội bộ; trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm túc, tính tiền phong, gương mẫu chưa cao; một bộ phận không nhỏ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn và những sơ hở của chính sách, pháp luật, sự lơi lỏng trong công tác quản lý để tham nhũng, trục lợi. Thực tế những vụ án nổi cộm về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến Công ty Việt Á và các "chuyến bay giải cứu", hay trong hoạt động đăng kiểm ô tô vừa qua đã cho thấy rõ điều này.
Cùng với đó, các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ ở một số cơ quan, tổ chức; những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chậm được triển khai và chưa thực hiện quyết liệt.
Việc kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra theo phân cấp còn chưa thường xuyên và thiếu nghiêm túc; có nơi chưa chủ động phát hiện, xử lý chưa kiên quyết và dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm, dẫn đến từ vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn...
Vẫn để xảy ra một số vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế; đồng thời là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Đảng đưa công tác phòng, chống tham nhũng lên tầm cao hơn, là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, với tinh thần phải làm quyết liệt, thể hiện qua 3 vấn đề: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm không có vùng cấm, không có ngoại lệ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.
Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, nhiều khó khăn, phức tạp, phải tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, với những cách làm vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Đảng ta chủ trương phải xây dựng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; bảo đảm chế độ chính sách để “không cần tham nhũng” và xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn tham nhũng”.
Theo tinh thần thực hiện đồng bộ "4 không" nêu trên, trước hết chúng ta cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức công vụ, sự liêm chính, chí công vô tư, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, trọng danh dự, liêm sỉ, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cần nghiên cứu đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên, hình thành đức tính liêm chính từ lúc còn trẻ tuổi.
Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng cá nhân điển hình tiên tiến; bảo vệ, khen thưởng, động viên khích lệ những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với thông tin kịp thời, minh bạch về những vụ án, vụ việc tham nhũng, cần chủ động đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.
Về hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, đầu tiên chúng ta cần kiên quyết chỉ đạo rà soát, bổ sung quy chế làm việc của các cấp ủy, chính quyền bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, lãnh đạo, điều hành và chấp hành. Hoàn thiện các cơ chế về kiểm soát quyền lực trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp đối với những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ...
Việc vô cùng quan trọng là phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, có kiến thức, năng lực toàn diện, đặc biệt là có đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham vọng quyền lực và tham nhũng, cơ hội, cửa quyền, tư duy nhiệm kỳ.
Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ quy hoạch vào vị trí lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo. Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong xã hội. Kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Cuối cùng, như người xưa đã đúc rút: "Có thực mới vực được đạo", chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, có ý thức tự giác “không cần tham nhũng”.
Thực tế cho thấy, mức thu nhập chính thức của đại đa số cán bộ, công chức hiện nay còn rất thấp so với nhu cầu cuộc sống bình thường, nên không ít người thiếu bản lĩnh đã có tư tưởng kiếm chác, làm liều để lo cho cuộc sống gia đình, dễ bị cám dỗ, mua chuộc, dẫn đến thoái hóa, biến chất. Đảng, Nhà nước cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế này để nghiên cứu chế độ chính sách chăm lo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, khắc phục tình trạng "đói ăn vụng, túng làm liều" và tư tưởng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" theo chiều hướng tiêu cực.
Quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm "4 không" (không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng) thì chắc chắn tham nhũng, tiêu cực sẽ được đẩy lùi, giảm nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và các thế lực thù địch cũng không còn cớ để lợi dụng quy chụp, xuyên tạc nhằm chống phá nước ta.
Đại tá, PGS, TS BÙI QUANG HUY, Chủ nhiệm khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Sĩ quan Chính trị