Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC cho cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ sở như: khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, chợ, siêu thị, các khu vui chơi giải trí, nơi tập trung đông người, bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ..., đồng thời, xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình điển hình trong phong trào toàn dân tham gia PCCC; tham mưu tổ chức thành công Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC ở cơ sở.
Trong năm 2023, Công an huyện có các biện pháp, phương án xử lý triệt để đối với các vi phạm về Giấy phép kinh doanh, việc chấp hành pháp luật trong đầu tư xây dụng, việc thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH; các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Từ đó, chỉ đạo xử lý dứt điểm các cơ sở tồn tại trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, không để phát sinh thêm các cơ sở vi phạm PCCC.
Bên cạnh đó, Công an huyện tổ chức diễn tập, thực tập phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ phối hợp có nhiều lực lượng tham gia tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, nơi tập trung đông người, các chợ, trường học, các cơ sở nguy hiểm cháy nổ cao. Tổ chức huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tại các trụ sở cơ quan nhà nước...
Trong năm 2023, đảm bảo 100% hộ gia đình để ở, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC và mỗi hộ gia đình để ở, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh có ít nhất 01 người được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH. Cùng với đó, đảm bảo mỗi khu phố (ấp) trên địa bàn các xã - thị trấn đều được xây dựng ít nhất một mô hình “Tổ liên gia an toàn an toàn phòng cháy và chữa cháy” và một mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; phấn đấu 100% ngõ, hẻm tập trung đông dân cư (hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ..) có chiều dài từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được theo địa bàn dân cư phải bố trí “Điểm chữa cháy công cộng”, 100% các hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liên kết tham gia “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện phải đảm bảo có lối thoát nạn thứ 2 (theo hướng dẫn của Cục C07 - Bộ Công an). Mỗi khu phố (ấp) đã và đang thành lập "Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng" phải tổ chức tự thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ít nhất 01 lần/năm.
Để thực hiện tốt công tác PCCC ở mỗi địa phương, mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH. Thường xuyên tham gia các buổi tập huấn kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Quan tâm đến việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.