Thông qua các hình ảnh được chụp lại, đằng trước, đằng sau lưng bé HK chằng chịt các vết thương, mới có, cũ có, nhiều người không khỏi sót xa, thương cảm và đặt câu hỏi tại sao người ta lại đối xử với bé HK như vậy? Bé bị suy nhược cơ thể nặng, 25 tháng tuổi mà nặng khoảng 8kg. Bé HK chỉ là một trong vô số nạn nhân của bạo lực gia đình, mà người gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần cho bé lại chính là người thân của em. Vậy cha mẹ bé HK nghĩ gì khi thấy con mình bị như vậy?
Tôi cũng là một người mẹ, tôi có 2 đứa con trai, con tôi được chăm sóc đầy đủ, được sống trong tình yêu thương của gia đình, cha mẹ. Con trai nhỏ của tôi năm nay 3 tuổi, bé rất hiếu động, mỗi khi bé bị xước da, chảy máu thậm chí là gãy răng cửa do chạy nhảy, nghịch ngợm, tôi thấy xót và thương con lắm. Những vết thương đó là do vô tình mà bé bị, đằng này bé HK lại bị nhiều vết thương do chính người thân gây ra, vậy lương tâm, đạo đức, tình yêu thương con người ở đâu? Nói thế nào đi nữa, thì bé HK cũng không đáng bị hành hạ đến nỗi vết thương kín người. Đây là vụ bạo lực gia đình cần lên án mạnh mẽ và phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trẻ em có các quyền: được chăm sóc, nuôi dưỡng, được tôn trọng, được bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, được quyền chăm sóc sức khỏe, được học tập, được vui chơi, giải trí với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao lành mạnh.
Bạo hành gia đình có nhiều nguyên nhân, có thể là do hôn nhân không hạnh phúc, áp lực cơm, áo, gạo, tiền, do cuộc sống vất vả mưu sinh và cũng do sự thiếu hiểu biết pháp luật gây ra. Người ta tự cho mình cái quyền đánh đập, hành hạ người khác mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn bạo hành gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ. Trước hết, tình trạng bạo lực gia đình đã trực tiếp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thể chất, tinh thần của con người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Nhìn từ góc độ pháp lý, hành vi bạo hành gia đình là hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013; vi phạm pháp luật về Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định về các tội liên quan đến cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc tội ngược đãi vợ, con với những hình phạt rất cụ thể... Đây là cơ sở để xử lý nghiêm các hành vi bạo hành gia đình.
Thực tế cho thấy, để ngăn chặn những vụ việc bạo hành gia đình đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nói cách khác, phòng chống bạo hành gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, lấy phòng ngừa là chính. Trong đó, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và phòng, chống tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ việc bạo lực gia đình theo các quy định của pháp luật. Các vụ việc bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng cần tổ chức xét xử lưu động, công khai để người dân biết nhằm nâng cao tính phòng ngừa, răn đe trong cộng đồng xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình thực sự yên ấm, hạnh phúc, trẻ em được bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo là điều kiện để xây dựng xã hội phát triển. Do đó, cần chung tay phòng, chống tình trạng bạo lực gia đình vì mục tiêu “Xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.
Tác giả: THỤY AN (Có sử dụng tư liệu từ nguồn: dangcongsan.vn) / ảnh: Sưu tầm