Những ngày Tháng 7 này, chúng ta lại không khỏi xúc động khi cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Nhiều hoạt động thăm hỏi, chăm lo các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Chúng tôi tìm gặp tấm gương thương binh vượt khó vươn lên trong cuộc sống, đó là anh Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1964, thương binh hạng 2/4. Anh hiện đang cư ngụ tại địa chỉ số 53/4, ấp 1, xã Xuân Thới Sơn. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hóc Môn - Bà Điểm. Sau ngày 30/4/1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân cả nước được sống yên vui trong hòa bình, độc lập, tự do.
Tháng 3 năm 1984, anh Nguyễn Văn Hùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự; nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân đối với Tổ quốc, anh gác lại công việc gia đình, lên đường nhập ngũ tại Sư Đoàn 477, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Sau 3 tháng quân trường khổ luyện, ngày 10/6/1984, anh được lệnh sang chiến trường Campuchia tham gia chiến đấu cùng quân tình nguyện Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế hỗ trợ nước bạn Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol pot (Khmer đỏ). Đơn vị anh đóng quân tại cao điểm 230 - tuyến đầu Bac Tam Boong thuộc tỉnh Bac Tam Boong. Những ngày đầu sang nước bạn chiến đấu còn nhiều lạ lẫm về đường đi nước bước, chưa thông thuộc địa hình rừng núi hiểm trở. Anh được giao nhiệm vụ trinh sát tại tiểu đoàn 4 (còn gọi là trinh sát D4 E96 F309) cùng một số anh em đi dò đường đến khu vực địch đóng chiếm và dẫn đường cho bộ đội ta tấn công vào các điểm đóng quân của địch. Với sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí của mình, anh và đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ tiêu diệt nhiều cứ điểm đóng quân của địch, góp phần vào thắng lợi chung của quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia trên chiến trường Campuchia, đánh đổ chế độ diệt chủng khét tiếng Pol Pot (Khmer đỏ), đem lại hòa bình, độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân Campuchia. Trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn trên đất bạn, anh và những đồng đội của mình cũng thường bị những cơn sốt rét rừng, bị rắn độc cắn. Tham gia nhiều trận đánh ác liệt từ tháng 2, đến tháng 6 năm 1985, Tiểu đoàn của anh chỉ còn lại 70 người. Tháng 3 năm 1987, anh dẫn đường cho bộ đội ta tấn công cứ điểm 300 của địch. Anh bị gãy chân trái, tổn thương phần mềm chân phải, bị đa chấn thương do mìn nổ. Sau trận này, anh được đơn vị đưa về nước trị thương ở bệnh viện Quân Y 175. Tháng 4 năm 1987, anh được chuyển sang bệnh viện 7C - Thủ Đức để tiếp tục điều trị. Đến tháng 9 năm 1987, anh được cho xuất viện. Ngày 30 tháng 11 năm 1987, anh nhận được quyết định phục viên trở về địa phương.
Về lại quê hương Hóc Môn, anh lo chí thú làm ăn, phụ giúp gia đình. Với bản chất người lính cụ Hồ “Tàn nhưng không phế”, anh không muốn sống bám hay dựa dẫm vào ai. Anh đi làm thợ hồ để mưu sinh kiếm sống lo cho bản thân và phụ mẹ lo cho gia đình đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 1994, anh được một người cậu mai mối và lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Ngõ là người cùng xã. Năm 1997, anh xin vào làm công nhân vệ sinh ở quận Tân Bình. Sau đó năm 2005, anh xin chuyển về Xí nghiệp 2 - Công ty Môi trường Đô thị Thành phố. Năm 2015, vết thương cũ do chiến tranh để lại tái phát, anh xin thôi việc để đi bệnh viện điều trị. Tháng 5 năm 2016, tình hình sức khỏe ổn định, anh xin vào làm bảo vệ Khách sạn HANVE HOUSE của Hàn Quốc tại ấp 4, xã Xuân Thới Sơn để tiện đi lại vì gần nhà, tiện phụng dưỡng mẹ già năm nay đã 78 tuổi. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh vẫn luôn quan tâm giáo dục con cái để trở thành những người công dân có ích cho xã hội, cho quê hương, đất nước, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, con ngoan trò giỏi. Hiện tại, anh có hai người con. Cháu lớn Nguyễn Hoàng Anh Tú, sinh năm 1994, đã tốt nghiệp lớp 12. Ban ngày cháu đi làm công nhân cho một Xí nghiệp may trên địa bàn xã, tối về cháu trực dân quân tại Trụ sở Ban nhân dân ấp 1. Cháu thứ hai là Nguyễn Thùy Vân, sinh năm 1995, hiện cháu đang là sinh viên năm Thứ ba trường Cao đẳng Bách Việt chuyên ngành tài chính ngân hàng. Thương bà nội đã già và cha mẹ ngày càng lớn tuổi, hai vợ chồng và cháu nhỏ mỗi ngày đều về thăm để phụng dưỡng bà nội và cha mẹ. Tâm sự với chúng tôi, anh rất vui và cảm thấy hài lòng về gia đình nhỏ thân yêu của mình. Mỗi ngày được nhìn thấy mẹ già khỏe mạnh là niềm vui và an ủi đối với anh. Nhìn thấy các con nên người, có gia đình hạnh phúc, anh cũng vui lây. Công việc bảo vệ hiện tại trực 24 giờ, nghỉ 24 giờ, anh có thêm thời gian về nhà thăm hỏi, chăm sóc cho mẹ. Hiểu được hoàn cảnh của con, mẹ anh càng thương con nhiều hơn. Mỗi buổi chiều tối, bà lại lom khom nhóm bếp lửa luộc hột vịt lộn để bán kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải chi phí trong gia đình. Cuộc sống như vậy đối với anh là hạnh phúc lắm rồi.
Để ghi nhận công lao đóng góp của anh trong thời gian tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng cho anh Huân chương chiến công Hạng 3, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huy hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế”. Năm 1994, anh được UBND huyện xây tặng căn Nhà Tình nghĩa để anh an tâm làm việc lo cho gia đình. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh và gia đình vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động Chi hội Cựu chiến binh ấp và tham gia sinh hoạt tổ nhân dân đều đặn. Anh cũng được địa phương và huyện tặng thưởng nhiều Giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong các hoạt động phong trào tại địa phương.
Có thể nói, anh là một tấm gương thương binh vượt qua những khó khăn về thương tật, những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh thường ngày, để vươn lên vượt khó, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, yên ấm, là tấm gương người con, người chồng, người cha, người ông mẫu mực, có trách nhiệm với gia đình, hiếu thảo phụng dưỡng mẹ già, giáo dục con cái nên người; xứng danh với tên gọi Người lính bộ đội cụ Hồ.