Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 09 Di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 02 Di tích cấp Quốc gia và 07 Di tích cấp Thành phố.
Theo đánh giá thời gian qua huyện đã có nhiều quan tâm, đầu tư xây dựng công trình, khai thác và tổ chức hoạt động của các Cụm Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Nhà Thiếu nhi huyện cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao của Nhân dân. Với chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người huyện Hóc Môn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững huyện gắn với xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
UBND huyện quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm phát huy tốt công năng sử dụng từng bước đáp ứng được các yêu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cho Nhân dân trên địa bàn huyện. Các tổ chức, cá nhân đã đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập, như: 28 cơ sở kinh doanh karaoke, 182 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể thao cho người dân trên địa bàn huyện.
Nhìn chung hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được củng cố phát triển đồng bộ, khai thác có hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của Nhân dân; đồng thời, phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các địa bàn, khu vực trong và ngoài huyện, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố.
Nội dung hoạt động ở các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từng bước có sự phong phú, đa dạng, gắn bó thiết thực với cộng đồng dân cư, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chi bộ đảng, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể Nhân dân ở địa bàn, vừa là nơi quán triệt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, phổ biến thời sự, tuyên truyền giáo dục lối sống, nếp sống, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; triển khai các vấn đề về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan; tập luyện giao lưu văn hóa, văn nghệ…
Bên cạnh đó, thư viện huyện thường xuyên bổ sung sách mới cũng như luân chuyển sách đến phòng đọc sách của các xã - thị trấn, thư viện của các trường học nhằm giúp người dân và học sinh có điều kiện tốt hơn để tìm hiểu thông tin, hình thành thói quen đọc sách và xây dựng, phát triển Văn hóa đọc.
Trên địa bàn huyện có 12 Trung tâm Học tập cộng đồng tại các xã - thị trấn. Hoạt động Trung tâm Học tập cộng đồng tại các xã - thị trấn được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Hội Khuyến học và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện trong thực hiện nhiệm vụ.
Để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được đà tăng dân số trên địa bàn huyện cũng như nhu cầu của người dân về sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao ngày càng tăng, UBND huyện đã đề xuất các sở, ngành Thành phố thường xuyên tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, lực lượng quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng, phát huy, nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu cũng như quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang bị dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời cho các xã nông thôn mới trên địa bàn huyện từ đó thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy ngày càng hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện.