Trong chống Mỹ cứu nước, Lực lượng TNXP miền Bắc đã không tiếc máu xương, tham gia mở đường Trường Sơn, tháo dở bom mìn, cho bộ đội thông xe, đưa quân vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Tiêu biểu là hình ảnh bất khuất của 10 cô gái TNXP hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tỉnh… Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam cũng được chính thức thành lập ngày 20/4/1960, gắn bó chặt chẽ cùng bộ đội làm nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tiêu biểu là chiến công TNXP miền Nam trên tuyến đường Huyền thoại 1C... Sau chiến thắng 30/4/1975, để hàn gắn vết thương chiến tranh, ngày 28/3/1976, theo lời phát động của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh được chính thức thành lập, lên đường xây dựng hàng trăm khu kinh tế mới tại khắp các tỉnh Kiên Giang, Minh Hải, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Đắc Nông…; khi chiến tranh biên giới tây Nam nổ ra, hàng ngàn TNXP Thành phố đã được tăng cường tham gia phục vụ chiến đấu bên cạnh quân đội, góp phần cứu nước bạn Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Có 99 liệt sĩ TNXP thời kỳ này, trong đó, tiêu biểu là Trung đội nữ TNXP hy sinh ngày 22/7/1977, hiện lưu danh tính, thờ phụng tại Khu Tưởng niệm liệt sĩ TNXP ở xã Phước Long, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.. Từ ngày 28/3/1976 đến nay hơn 41 năm, Lực lượng TNXP Thành phố đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, thành Lực lượng nòng cốt đi đầu trong các phong trào trọng điểm của Thành phố như xây dựng tuyến đường Cần Giờ, Rừng Sát; mở rộng các cửa ngõ đường Điện Biên Phủ, Kinh Dương Vương, Nguyễn Hữu Cảnh; hàng loạt nông trường quanh Thành phố như Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, An Hạ, Nhị Xuân, Phạm Văn Cội, Đỗ Hòa, Duyên Hải; về sau chuyển thành các trường Giáo dục lao động - Giải quyết việc làm từ số 1 đến 6; cơ sở xã hội Nhị Xuân; Cụm Công nghiệp - dân cư Nhị Xuân; Công ty Dịch vụ Công ích TNXP… Năm 1995, để tiếp tục phát huy truyền thống xung kích của thanh niên làm theo lời Bác Hồ dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lắp biển, quyết chí ắt làm nên”; Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam, tập hợp các cựu TNXP dưới mái nhà chung tổ chức Hội.
Cùng với Hội cựu TNXP cả nước, Hội cựu TNXP huyện được vận động thành lập từ năm 2007, được UBND Thành phố quyết định cho phép thành lập chính thức năm 2009, đến nay đang cuối nhiệm kỳ II (2012 - 2017). Hơn 10 năm hình thành và hoạt động tích cực, Hội Cựu TNXP huyện Hóc Môn đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay 12/12 xã, thị trấn trong huyện đều có tổ chức Chi Hội, thu hút trên 350 cựu TNXP tham gia sinh hoạt. Thực hiện vai trò là nhân chứng lịch sử, Huyện hội đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nội vụ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, tham mưu UBND huyện, hướng dẫn hội viên lập hồ sơ trợ cấp 1 lần theo các Quyết định 104/QĐ–CP, Quyết định 40/QĐ-CP của Chính phủ về xét cấp thẻ BHYT và trợ cấp mai táng phí cho TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp; lập hồ sơ giải quyết chế độ cựu TNXP theo Quyết định 290/QĐ -TTg thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đề xuất cấp trên giải quyết 60 trường hợp cựu TNXP tham gia phục vụ chiến đấu biên giới Tây Nam, thời kỳ 1977 - 1980 theo Quyết định 62/QĐ-TTg. Hàng năm, các Chi Hội phát động 100% hội viên tích cực hướng ứng phong trào thi đua do UBND huyện, Huyện hội phát động, tham gia nâng chất 19 tiêu chí nông thôn mới, xây dựng xã - thị trấn văn minh đô thị; hỗ trợ nghĩa tình đồng đội về công ăn việc làm, sửa chữa nhà cửa, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, thăm bệnh…; tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa; đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu TNXP tiêu biểu, tích cực tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Trong 10 năm, các Chi hội thường xuyên khảo sát, nắm bắt đời sống hội viên, phối hợp Huyện Hội, vận động Quỹ bảo trợ, Quỹ Vì người nghèo và các Mạnh thường quân, xây tặng 12 căn nhà nghĩa tình đồng đội; 2 căn nhà mơ ước; 1 căn nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sĩ Nguyển Thị Kim Mai, xã Tân Thới Nhì; 2 căn nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, xã Đông Thạnh và thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Chốn, xã Thới Tam Thôn… Hàng năm, Huyện Hội tổ chức vận động Đoàn trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đoàn y bác sĩ Bệnh viện quận 2, Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn… khám bệnh, phát thuốc, tặng quà hàng ngàn lượt hội viên khó khăn, người cao tuổi neo đơn… Phát huy truyền thống "Tuổi trẻ xung phong, về già gương mẫu"; tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình; giáo dục con, cháu học hành chăm ngoan, thành đạt, biết quý trọng truyền thống xung phong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của cha mẹ; góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Luôn giữ vững tinh thần và truyền thống của cựu TNXP như lời cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét "Trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ", “TNXP chính là điểm tựa, niềm tin vững chắc cho thế hệ trẻ". Hiện nay, Hội Cựu TNXP huyện đang và đã chỉ đạo tiến hành Đại hội Chi hội Cựu TNXP các xã Bà Điểm, Đông Thạnh, Trung Chánh, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Thượng, thị trấn Hóc Môn, Xuân Thới Đông, Thới Tam Thôn…, tiến tới Đại hội Hội Cựu TNXP huyện nhiệm kỳ III (2017 - 2022) vào đầu tháng 10/2017. Trong đợt kỷ niệm 67 năm ngày Truyền thống TNXP Việt Nam năm nay; Hội cựu TNXP huyện đang triển khai loạt công tác như: Ngày 12/7: tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; Ngày 14/7: tham gia gian hàng, bán 200 phiếu dự Hội chợ ẩm thực gây quỹ Nghĩa tình đồng đội do Hội Cựu TNXP Thành phố tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động Thành phố; Ngày 22/7: Cử 2 Đoàn cán bộ hội viên dự Dâng hương tại nghĩa trang TNXP giải phóng miền Nam tại Đồi 82, huyện Tân Biên, Tây Ninh; và lễ Giỗ liệt sĩ TNXP tại Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP xã Phước Long, Bến Cầu, Tây Ninh; Ngày 23/7, phối hợp Đoàn y bác sĩ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho 200 cựu TNXP, người cao tuổi khó khăn, tại Ban Nhân dân ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, gắn với tinh thần “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức thăm viếng 3 Bà mẹ VNAH và 1 mẹ liệt sĩ TNXP nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ…