Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có biết bao thế hệ thanh niên Gò Môn đã hăng hái lên đường nhập ngũ để cống hiến sức trẻ phục vụ Tổ quốc. Chú Cựu chiến binh Huỳnh Văn Hùng (tên thường gọi là ba Hùng hay Hùng Dâu), năm nay 73 tuổi, ngụ tại 1/10 ấp 4, xã Xuân Thới Sơn là mộttrong những người thanh niên năm ấy. Khi hỏi chú về ký ức Gò Môn năm xưa, chú Hùng Dâu cho biết: chú tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1958, đến năm 1960 chú là cán bộ mật của xã trong hoạt động “bí mật” gọi là “nằm vùng” ở địa phương, giúp đỡ nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ngày 10/10/1962, chú thoát ly gia đình, tham gia du kích xã Xuân Thới Sơn, chính thức gia nhập bộ đội Gò Môn và tham gia tất cả các trận đánh lớn nhỏ trên địa bàn Gò Môn. Chú kể: “quận Gò Môn ra đời vào năm 1961, đây là địa bàn do Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lãnh đạo, quyết định sáp nhập Hóc Môn và Gò Vấp thành quận Gò Môn, gồm cả một số xã của Củ Chi. Từ năm 1962, chiến sự ở miền Nam rất căng thẳng, khi đó địch thành lập ấp chiến lược ở vùng nông thôn, bằng các thủ đoạn gom dân vào ấp chiến lược, xung quanh chịu sự quản lý, lục soát của các đồn bót. Dân ta sống như ở tù, nên đồng loạt nổi dậy đấu tranh phá ấp chiến lược, nổi bật là cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm tiêu hao lực lượng địch, khiến quân Mỹ - Ngụy rất hoang mang, hoảng sợ. Chúng ra sức đàn áp, càn quét nhân dân ta bằng xe tăng thiết giáp, bằng phóng rooket từ máy bay xuống, cả quận Gò Môn bấy giờ chìm trong khói lửa”. Khi đó, chú Hùng Dâu cùng các cán bộ, đảng viên khác như chú Năm Ốm, Hai Trọn… về bám trụ tại các lõm căn cứ ở xã Xuân Thới Sơn, bí mật cùng các mẹ, các chị lo cơm nước tiếp tế cho bộ đội và du kích. Sau Tết Mậu Thân, quân Mỹ - Thiệu mới hoàn hồn nên chúng đàn áp các cơ sở rất ác liệt với các chiến dịch “Phượng Hoàng”, “Thiên Nga”… Đội quân du kích của chú Hùng Dâu bị chúng khủng bố ráo riết phải sơ tán nay đây mai đó, để bảo toàn lực lượng. Lúc này chú Hùng Dâu đang là Xã đội Trưởng, kiên quyết bám trụ ở lại với đồng bào, nhưng có những lúc bị đàn áp quá mạnh, chú đành phải ẩn náu rút về vùng bưng để tránh rơi vào tay địch. Chú bồi hồi nhớ lại “Trong một ngày chú chạm trán với quân ngụy tới 4, 5 lần. Chạy đây vừa gặp, ra kia lại gặp tiếp. Có những lúc súng của địch kè sát hông rồi, nhưng vẫn phải vùng dậy chiến đấu quyết liệt, không thể để rơi vào tay giặc được”. Chú phải ngụy trang, tìm những cái thùng phuy to đem nhận xuống nước, làm hầm vừa nổi vừa chìm để đánh giặc; giặc tới thì nhảy vào đó nguỵ trang, tối lại chui ra ngoài hoạt động. Đội du kích của chú có một số người hy sinh, nhưng được con em nhân dân vùng Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng tình nguyện tham gia, đứng vào hàng ngũ quân giải phóng tiếp tục cầm súng chiến đấu. Đơn vị của chú kết hợp với các lực lượng binh vận, công an mật, du kích xã có nhiều trận đánh táo bạo, bất ngờ, “xuất quỷ nhập thần”, tấn công đè bẹp quân địch, đột sâu vào các ấp, các đồn bót, nhà việc, gây cho Mỹ - Ngụy nhiều phen điêu đứng. Ngoài ra, chú còn vận động nhân dân đứng lên tham gia đấu tranh chống bắt lính, chống giặc cán quét, bẻ gãy kế hoạch bình định của địch…
Được biết sau ngày giải phóng 30/4/1975, chú Hùng Dâu tham gia tiếp quản xã Xuân Thới Sơn, được Huyện ủy phân công làm Xã đội Trưởng, Trưởng Công an, Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thới Sơn. Năm 1977, chú trở về Sư đoàn 477 Quân khu, giữ chức vụ Chính trị viên Phó làm công tác tham mưu cho quân đội, đến năm 1981 chú về hưu. Chú vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba và huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đến nay, chú Hùng Dâu đã tuổi cao sức yếu, sống nhờ vào lương hưu và trợ cấp thương binh hạng 3/4 khoảng 6 triệu đồng/tháng và có cuộc sống ổn định. Chú vẫn thường xuyên tham gia các cuộc họp Tổ Nhân dân, họp Ban Nhân dân ấp, họp Chi bộ và vận động tuyên truyền trong nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống khu dân cư ngày một tốt hơn, nhất là lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè. Điều mà chú trăn trở nhất là làm sao ngăn chặn máy bắn cá, cờ bạc trá hình trên địa bàn xã.
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta càng tự hào với truyền thống của ông cha trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trong đó có quê hương 18 Thôn vườn trầu và quận Gò Môn kiên cường, anh dũng. Kính chúc các cô chú Cựu Chiến binh, chú Hùng Dâu thật nhiều sức khoẻ, sống vui vẻ cùng con cháu và tiếp tục hiến kế nhiều ý kiến hay, giáo dục truyền thống thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống cha anh chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển.