Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua XHCN vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Coi tổ chức thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, biến thành sức mạnh, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo vệ Tổ quốc.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Thi đua phải được tổ chức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, rộng khắp. Cán bộ, đảng viên phải tích cực vận động quần chúng, đi đầu làm gương cho mọi người. Tích cực phát hiện điển hình, phổ biến những kinh nghiệm, nêu gương khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương những tấm gương “người tốt, việc tốt”. Đảng lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước: “Lãnh đạo phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình”.
Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra quan điểm về thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đổi mới đất nước. Ngày 3/6/1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW “về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới”. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 21/5/2004 Bộ Chính trị (khoá IX) ban hành Chỉ thị 39-CT/TW “về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Chỉ thị yêu cầu “các cấp uỷ, tổ chức Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua”. Các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, địa phương; có mục tiêu, nội dung thi đua cụ thể, thiết thực. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Tiếp đó, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị yêu cầu: gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. "Bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Lời kêu gọi của Người vì thế rất giản dị, rõ ràng, ai đọc cũng có thể hiểu một cách cụ thể, cụ thể đến từng giới, từng người trong xã hội.
66 năm đã trôi qua ngày nay quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của nước ta đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế thị trường đang bộc lộ không ít hạn chế và tiêu cực, tác động không nhỏ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Càng trong điều kiện như vậy càng đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn về vai trò của thi đua. Thấm nhuần tư tưởng và lời Bác dạy về thi đua, bắt đầu từ những việc làm bé nhỏ, bình thường hàng ngày mang lại lợi ích cho dân, cho nước, chính là hành động thiết thực và cụ thể của mỗi chúng ta cùng góp phần vào sự nghiệp “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước”.